Đang tải...
Tư Vấn 1
0867812366 (Học ôtô - Cô Nhung)
Tư Vấn 2
0918374647 (Học xe máy A1 - Cô Chiến)
Tư Vấn 1
0867812366 (Học ôtô - Cô Nhung)
Tư Vấn 2
0918374647 (Học xe máy A1 - Cô Chiến)

Quy chế Đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn 2025

QUY CHẾ

Đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 461/QĐ –TCĐTH ngày 26/12/2024
của Hiệu trưởng Trường Trung cấp Đinh Tiên Hoàng)

____________________________________________
 
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
 
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Quy chế này quy định về công tác tổ chức và quản lý đào tạo lái xe ô tô hạng B và C1 từ xa, tự học có hướng dẫn đối với các môn học:
1. Pháp luật về giao thông đường bộ.
2. Cấu tạo và sửa chữa thông thường.
3. Đạo đức, văn hóa giao thông và phòng chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông; Kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
4. Kỹ thuật lái xe.
5. Học phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông.
Bao gồm: Những quy định chung; lập kế hoạch và tổ chức giảng dạy; đánh giá kết quả học tập.
Điều 2. Quy chế này áp dụng đối với học viên, các cá nhân, đơn vị liên quan trong công tác tổ chức, quản lý quá trình đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn của Trường Trung cấp Đinh Tiên Hoàng.

 
Chương II
LẬP KẾ HOẠCH VÀ TỔ CHỨC GIẢNG DẠY
 
Điều 3. Kế hoạch đào tạo và học tập 
1. Kế hoạch đào tạo được xây dựng và thực hiện theo quy định tại Mẫu số 01, Mẫu số 02, Mẫu số 04 Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư số 35/2024/TT-BGTVT ngày 15/11/2024 của Bộ Giao thông Vận tải Quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; cấp, sử dụng giấy phép lái xe quốc tế; đào tạo, kiểm tra, cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, phù hợp với hình thức đào tạo và phương thức tổ chức đào tạo từ xa.
2. Thời gian tổ chức đào tạo và học tập linh hoạt trong ngày, trong tuần.
Điều 4. Tổ chức và quản lý đào tạo 
Nhà trường tổ chức đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn đối với các môn học tại Điều 1 của Quy chế này phải đảm bảo các yêu cầu sau:
1. Phòng Đào tạo quản lý chuyên môn phân công giáo viên giảng dạy dựa trên kế hoạch giảng dạy toàn khóa đã ban hành và phân công cán bộ hỗ trợ học tập thực hiện chương trình.
2. Cung cấp cho học viên, giáo viên, cán bộ quản lý, cán bộ hỗ trợ: kiến thức, kỹ năng về dạy – học từ xa; thông tin về chương trình đào tạo, tài nguyên học tập, công cụ kiểm tra đánh giá.
3. Vận hành hiệu quả hệ thống kỹ thuật hỗ trợ giúp học viên tiếp cận dễ dàng nguồn học liệu, kết nối học viên với học viên, học viên với giáo viên và hỗ trợ giáo viên kiểm tra, giám sát, đánh giá mức độ tiến bộ của học viên.
4. Việc tổ chức đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn phải bảo đảm sự tương tác giữa học viên với giáo viên, giữa học viên với học viên; bảo đảm các hoạt động học tập chính: tham dự buổi học, buổi hướng dẫn, trao đổi thảo luận; học tập những nội dung từ học liệu chính và các học liệu bổ trợ; thực hiện các hoạt động học tập; tham vấn đặt câu hỏi với các giáo viên.
5. Việc tham gia của học viên trong quá trình đào tạo phải được giám sát và ghi nhận thông qua hệ thống quản lý đào tạo, các hồ sơ theo dõi học tập bằng hình thức phù hợp với phương thức tổ chức đào tạo (điểm danh, xác thực học viên, nhật ký học tập,…), với mỗi hoạt động học tập và khối lượng học tập.
Điều 5. Tổ chức giảng dạy và học tập 
1. Yêu cầu về tổ chức giảng dạy và học tập
- Nhà trường phát huy năng lực chuyên môn và trách nhiệm nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên, phù hợp với quy định về chế độ làm việc của giáo viên.
- Nhà trường phát huy vai trò chủ động đồng thời đề cao trách nhiệm của học viên, tạo điều kiện và động lực để học viên nỗ lực học tập; giữ vững kỷ cương học đường, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo.
- Nhà trường có các đơn vị có chức năng thanh tra, giám sát nội bộ và có hệ thống cải tiến chất lượng dựa trên thu thập, đánh giá ý kiến phản hồi của học viên.
2. Dạy và học 
Học viên được đào tạo, hướng dẫn kỹ năng học tập trực tuyến để được cung cấp các kiến thức và kỹ năng cần thiết khi tham gia học theo phương thức đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn. Việc tổ chức giảng dạy, ôn tập, giải đáp thắc mắc môn học được tổ chức theo các hình thức sau:
2.1. Phương pháp học
Trước mỗi khoá học, Nhà trường sẽ gửi link video hướng dẫn cách vào học và làm bài kiểm tra thông qua Cổng thông tin của Nhà trường.
Học viên truy cập vào website hoặc ứng dụng trên điện thoại di động hoặc truy cập website trên điện thoại di động; đăng nhập hệ thống học tập bằng user/password do Nhà trường cung cấp qua email.
Tại Trang chủ của khoá học, học viên bấm vào nút “Khóa học”, hệ thống sẽ chuyển tiếp sang trang “Khóa học”. Học viên có thể xem các khoá học của mình, tiến trình chung của khoá học, hoặc tiến trình chi tiết.
Học viên bấm vào môn học giáo viên yêu cầu học tại trang “Khoá học” để vào mục Bài học và tự học theo hướng dẫn. Sau mỗi 01 bài học sẽ có một bài kiểm tra thu hoạch dưới hình thức câu hỏi trắc nghiệm (từ 05-10 câu/bài), học viên tiến hành làm bài và hệ thống sẽ ghi nhận điểm kiểm tra của mỗi bài, học viên đạt điểm bài kiểm tra của 01 bài học (điểm kiểm tra ≥ 5đ/10đ) thì được chuyển sang học bài tiếp theo.
Nếu học viên có thắc mắc hoặc gặp lỗi trong quá trình học thì liên hệ với đội ngũ nhà giáo, người hướng dẫn hoặc cán bộ kỹ thuật của Nhà trường theo mục bình luận trong mỗi khoá học hoặc số điện thoại được công bố trên Cổng thông tin của Nhà trường.
2.2. Điểm danh
Học viên sau khi bấm vào một môn học trong trang “Khóa học” hệ thống sẽ tự động ghi nhận giờ check in của học viên và ghi nhận tiến trình, thời gian học. Học viên có thể tự kiểm tra số giờ, tiến trình học chi tiết của mình tại “Khoá học”. Thời gian học của học viên đạt điều kiện khi tham dự ít nhất 70% thời gian học lý thuyết được quy định tại Quy chế này.
Điều 6. Phân công giảng dạy 
1. Phòng Đào tạo phân công giáo viên giảng dạy cho các lớp dựa trên kế hoạch, đảm bảo phát huy năng lực chuyên môn và trách nhiệm nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên, phù hợp với quy định về chế độ làm việc của giáo viên.
2. Danh sách giáo viên giảng dạy được công bố công khai trên trang website thời khóa biểu khoá học và thông báo đến học viên.
Điều 7. Quản lý công tác giảng dạy 
1. Giáo viên giảng dạy theo đúng thời khóa biểu đã công bố. Khi có các sự cố ảnh hưởng đến công tác giảng dạy, giáo viên thông báo cho Phòng Đào tạo để xử lý.
2. Phòng Đào tạo kiểm tra việc giáo viên thực hiện nghiêm túc các quy định giảng dạy của Trường.
3. Các trường hợp nghỉ dạy vì lý do cá nhân, giáo viên cần thông báo trước cho Phòng Đào tạo để thông báo kịp thời cho học viên và có kế hoạch dạy bù phù hợp.
4. Định kỳ Phòng Đào tạo thực hiện báo cáo về công tác dạy học từ xa, tự học có hướng dẫn nắm bắt tình hình và kịp thời điều chỉnh các hoạt động giảng dạy.
Điều 8. Nâng cao chất lượng giảng dạy 
Kết thúc mỗi khoá học, Nhà trường thực hiện khảo sát lấy ý kiến học viên về hoạt động giảng dạy và học tập. Kết quả khảo sát là một kênh thông tin tham khảo để Phòng Đào tạo phối hợp với các đơn vị quản lý chuyên môn điều chỉnh hoạt động giảng dạy và học tập.
Điều 9. Cung cấp học liệu cho học viên 
1. Học viên được cung cấp học liệu chính trước thời gian bắt đầu học theo kế hoạch tổ chức đào tạo của khoá học. Các học liệu bổ trợ được cung cấp thêm tùy theo tình hình thực tế, cũng như nhu cầu của học viên trong từng môn học.
2. Học viên được cấp tài khoản học tập và tài liệu tham khảo phục vụ cho quá trình học tập.

 
Chương III
KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HỌC TẬP
 
Điều 10. Kiểm tra đánh giá kết quả học tập
1.  Kiểm tra
1.1. Làm bài kiểm trong quá trình học
- Hình thức: Theo hình thức câu hỏi trắc nghiệm online.
- Sau mỗi bài học, học viên sẽ làm bài kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm, đạt yêu cầu mới chuyển sang bài tiếp theo. 
1.2. Làm bài thi hết môn lý thuyết
a) Điều kiện học viên được tham gia kiểm tra kết thúc môn
Học viên tham dự ít nhất 70% thời gian học các môn lý thuyết.
b) Hình thức, thời gian kiểm tra
- Học viên thực hiện kiểm tra hết môn lý thuyết theo hình thức tập trung tại Nhà trường.
- Kiểm tra khi kết thúc môn học lý thuyết theo bộ câu hỏi sát hạch lý thuyết, nội dung bộ câu hỏi gồm các môn học: pháp luật về giao thông đường bộ; cấu tạo và sửa chữa thông thường; đạo đức, văn hoá giao thông, phòng chống tác hại của rượu bia khi tham gia giao thông, kỹ năng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; kỹ thuật lái xe; mô phỏng các tình huống giao thông.
- Điểm đánh giá kết quả học tập nội dung lý thuyết của học viên theo thang điểm 10 (từ 1 đến 10), có tính đến hàng thập phân 1 con số.
- Câu hỏi sát hạch lý thuyết học viên thực hiện bài kiểm tra trắc nghiệm trên máy tính.
- Mô phỏng các tình huống giao thông học viên thực hiện trên máy vi tính.
- Học viên sau khi đạt yêu cầu môn học lý thuyết mới được học môn Thực hành lái xe.
1.3. Kiểm tra lại
Đối với các học viên vắng hoặc chưa đạt lần 1 thì được kiểm tra lại theo Quy chế kiểm tra của Nhà trường.
2. Quá thời hạn 01 (một) năm kể từ ngày Nhà trường tổ chức xét hoàn thành khóa đào tạo lần đầu mà học viên không đủ điều kiện để được xét hoàn thành khóa đào tạo thì học viên phải được đào tạo lại theo khóa đào tạo mới.

 
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
 
Điều 11. Trách nhiệm của các đơn vị trong Trường
1. Các đơn vị quản lý chuyên môn
Thường xuyên cập nhật chương trình, giáo trình theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, quy định của Trường và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Trường.
Đề cử giáo viên tham gia xây dựng hoặc cập nhật học liệu cho môn học đáp ứng yêu cầu đào tạo, phân công giáo viên giảng dạy theo kế hoạch.
Phối hợp với các đơn vị khác trong công tác đào tạo của Trường.
2. Phòng Đào tạo
- Tổ chức và quản lý quá trình đào tạo của chương trình từ xa, tự học có hướng dẫn theo đúng quy chế hiện hành.
- Lập, triển khai, thực hiện kế hoạch đào tạo, kế hoạch học tập và thi kết thúc môn học.
- Phối hợp thực hiện các thủ tục liên quan đến học viên như: tổ chức khai giảng và thông báo nhập học, thông báo thu học phí, cấp thẻ học viên, cấp phát giấy xác nhận học viên,… theo đúng quy định hiện hành.
- Tổ chức phổ biến, hướng dẫn cho học viên Quy chế đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn, các quy định liên quan đến quá trình học tập, các quy định về nghĩa vụ và quyền lợi của học viên khi bắt đầu khóa học.
- Quản trị hệ thống, cung cấp tài khoản cho người dùng trên hệ thống; hỗ trợ công tác quản lý giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy học trực tuyến.
- Công bố trên trang thông tin điện tử các thông tin liên quan đến tuyển sinh, tổ chức đào tạo...; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức xây dựng, cập nhật, quản lý và đưa vào sử dụng học liệu theo đúng quy định hiện hành.
- Triển khai, quản lý công tác chăm sóc, hỗ trợ học tập và nhận phản hồi ý kiến từ học viên.
- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về phương pháp và kỹ năng cần thiết cho đội ngũ giáo viên, cán bộ hỗ trợ học tập, cán bộ quản lý.
- Duy trì và phát triển hệ thống đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn; cập nhật và hiện đại hóa công nghệ, phương tiên kỹ thuật để nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo.
- Thường xuyên tổ chức kiểm tra hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra các hoạt động đào tạo.
- Thực hiện lưu trữ, bảo quản an toàn các dữ liệu, tài liệu liên quan đến công tác đào tạo theo quy định của Trường, của Bộ Giao thông Vận tải.
- Quản lý và cung cấp học liệu phục vụ đào tạo bao gồm: sách, giáo trình, tài liệu giảng dạy, tài liệu học tập, tài liệu tham khảo,… phục vụ nhu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu cho giáo viên và học viên;
- Tạo tài khoản và cấp quyền cho học viên truy cập vào trang web của Trường để phục vụ học tập, nghiên cứu.
-  Đảm bảo cơ sở hạ tầng kết nối, truy cập an toàn, bảo mật và hoạt động ổn định; đáp ứng tốt nhu cầu kết nối, truy cập vào hệ thống phục vụ đào tạo của Trường trong suốt quá trình học tập.
Điều 12. Trách nhiệm của giáo viên
 1. Tham gia xây dựng
giáo trình, chương trình đào tạo chi tiết lái xe ô tô hạng B Học xe chuyển số tự động (bao gồm cả xe ô tô điện), hạng B Học xe chuyển số cơ khí (số sàn) và hạng C1.
2. Giảng dạy theo đúng lịch trình, thời khóa biểu, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học viên một cách công bằng, khách quan theo đúng quy định, nội quy của Trường về hoạt động giảng dạy.
3. Chịu trách nhiệm truyền đạt, cung cấp kiến thức, kỹ năng cho học viên, đồng thời có vai trò động viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho học viên học tập một cách hiệu quả; tạo môi trường học tập thân thiện và tăng cường sự tương tác, kết nối thông tin với học viên.  
Điều 13. Trách nhiệm của học viên
1. Tuân thủ nội quy học tập; quy tắc ứng xử trong Trường.
2. Nộp hồ sơ đầy đủ, đúng quy định đã được Trường công bố; nộp lệ phí học phí theo đúng quy định của Trường.
3. Chủ động lập kế hoạch học tập cá nhân theo các yêu cầu cụ thể của môn học, chương trình đào tạo đã được công bố. 
4. Chủ động liên lạc với giáo viên, cán bộ hỗ trợ học tập, cán bộ quản lý trong suốt quá trình học tập để được hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời.
5. Chấp hành các quy định, Quy chế đào tạo của Trường và các quy định khác của pháp luật hiện hành.
Điều 14. Báo cáo, lưu trữ và công khai thông tin
Nhà trường có trách nhiệm báo cáo, lưu trữ, bảo quản hồ sơ và dữ liệu số về đào tạo lái xe ô tô hạng B và C1 từ xa, tự học có hướng dẫn theo quy định tại Thông tư số 35/2024/TT-BGTVT ngày 15/11/2024 của Bộ Giao thông Vận tải Quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; cấp, sử dụng giấy phép lái xe quốc tế; đào tạo, kiểm tra, cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ và các quy định hiện hành của pháp luật.
Nhà trường thực hiện công khai trên trang thông tin điện tử của Trường khi tổ chức đào tạo.
Điều 15. Điều khoản thi hành
1. Các đơn vị trong toàn trường có trách nhiệm triển khai thực hiện Quy chế này. Phòng Đào tạo giữ vai trò thường trực trong quá trình thực hiện Quy chế này.
2. Trường hợp khi thực hiện có các nội dung trong Quy chế này không quy định thì áp dụng các văn bản khác có liên quan.
3. Trong quá trình thực hiện Quy chế này có phát sinh vướng mắc thì đơn vị thường trực tham mưu Hiệu trưởng xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Quy chế này có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.

 
Scroll To Top